Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể để loại bỏ các chất gây kích ứng, vi khuẩn và vi-rút khỏi đường hô hấp, giúp bảo vệ và chữa lành. Tuy nhiên, cơn ho kéo dài thường sẽ đi kèm ngứa rát họng, đau họng, khản tiếng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc hàng ngày. Trước nguy cơ lạm dụng thuốc và kháng sinh, các phương pháp giảm ho tại nhà từ nguyên liệu tự nhiên và sản phẩm hỗ trợ an toàn ngày càng được khuyến khích để giảm phụ thuộc vào thuốc. Dưới đây là những cách trị ho tại nhà hiệu quả và dễ áp dụng, giúp hạn chế việc dùng kháng sinh không cần thiết.
9 Cách giảm ho, đau họng, ngứa họng, khàn tiếng tại nhà
1. Súc họng bằng nước muối ấm
Nước muối ấm có đặc tính sát khuẩn mạnh mẽ, giúp làm sạch các vi khuẩn trong khoang miệng. Vì vậy, súc miệng bằng nước muối ấm là một trong những cách trị ho tại nhà đơn giản nhất, giúp làm dịu cổ họng, giảm ngứa rát, giảm đau họng, giúp long đờm và loãng đờm. Từ đó giảm các triệu chứng ho do cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm họng.
Ngoài ra việc thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang và bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt hơn.
Để thực hiện, bạn có thể mua dung dịch nước muối sinh lý ở các nhà thuốc hoặc tự pha tại nhà bằng cách cho khoảng 1/2 muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm. Súc miệng, cổ họng trong khoảng 30 giây, nhổ ra và lặp lại 3–4 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm ho và chăm sóc sức khỏe răng miệng.
2. Xông tinh dầu
Xông tinh dầu là cách trị ho tại nhà phổ biến với cơ chế giảm ho, thông mũi, giảm ngứa rát cổ và hỗ trợ điều trị cảm cúm, cảm lạnh. Ngoài ra, tinh dầu còn tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn, và khói bụi, làm sạch không khí, giúp giấc ngủ ngon và giảm căng thẳng. Và nhờ tính tiện dụng, tiết kiệm, phương pháp này cũng đã trở thành lựa chọn phổ biến trong giai đoạn dịch COVID-19.
Bạn có thể tham khảo các loại tinh dầu như: tinh dầu tràm, gừng, khuynh diệp và bạc hà đều là những loại có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, làm dịu họng, giảm nghẹt mũi, ho, và giúp long đờm. Bên cạnh đó, các nguyên liệu tự nhiên như sả, chanh, lá bạc hà, lá bưởi, hoắc hương cũng có thể dùng để xông. Mỗi loại cần khoảng 200-300g dược liệu tươi, hoặc dùng 2-4ml tinh dầu mỗi lần xông.
- Để xông hơi hãy chuẩn bị một bát nước nóng từ 80 - 100 độ C và nhỏ khoảng 5-7 giọt tinh dầu vào. Đặt bát cách mặt khoảng 25-30 cm, dùng khăn trùm kín đầu và bắt đầu xông trong khoảng 10-15 phút.
- Để xông toàn thân, chuẩn bị một nồi nước nóng, nhỏ 15-17 giọt tinh dầu vào và trùm khăn hoặc chăn lớn lên toàn thân và nồi nước. Xông từ 10-20 phút cho đến khi cơ thể vã mồ hôi, sau đó lau khô và uống nước ấm hoặc trà nóng để bù nước cho cơ thể.
- Nếu sử dụng máy khuếch tán tinh dầu, chỉ cần cho ít nước lọc và tinh dầu vào máy, bật máy lên và điều chỉnh tỷ lệ tinh dầu tùy thuộc vào từng loại.
3. Tắc (quất) chưng mật ong
Tắc chưng mật ong là cách trị ho tại nhà phổ biến nhất, mang hương vị ngọt dịu, thơm nhẹ, dễ uống.Tinh dầu và các loại vitamin có trong quả tắc giúp cổ họng được thông thoáng hơn, tiêu đờm, giảm đau. Trong khi đó, mật ong với đặc tính kháng viêm tự nhiên, giúp hỗ trợ điều trị các viêm nhiễm đường hô hấp - nguyên nhân thường gặp gây ra ho. Dùng tắc chưng mật ong mỗi ngày không chỉ cải thiện tình trạng ho khan, ho có đờm mà còn giúp tăng cường đề kháng, phòng ngừa cảm lạnh và bảo vệ đường hô hấp hiệu quả.
Có hai cách chế biến đơn giản như sau:
- Cách 1: Chọn 2-3 quả tắc tươi, cắt đôi, cho vào bát, đổ mật ong ngập tắc rồi trộn đều. Hấp cách thủy khoảng 10-15 phút đến khi hỗn hợp sánh lại. Bạn có thể uống nước, pha với nước ấm hoặc ngậm trực tiếp để giảm ho và khản tiếng.
- Cách 2: Vắt nước 500g-1kg tắc, giữ lại vỏ, trộn với nước cốt rồi đun nhỏ lửa cho hỗn hợp cô đặc. Thêm mật ong và đường phèn, sên cho đến khi sánh lại, sau đó để nguội và bảo quản trong bình thủy tinh. Mỗi lần sử dụng, pha 2-3 thìa hỗn hợp với nước ấm uống để làm dịu cổ họng và giảm ho.
4. Tần dày lá (húng chanh)
Tần dày lá (còn gọi là húng chanh) chứa nhiều tinh dầu giúp kháng khuẩn, tiêu viêm và long đờm, rất tốt cho người bị ho đờm hoặc ho khan. Bạn có thể thử một trong những cách sau:
Cách 1: Hái vài lá tần dày lá, nhai và ngậm trong miệng rồi nuốt nước, bỏ bã. Điều này giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa cổ và ho khan.
Cách 2: Giã nát 20g tần dày lá và 3 lát gừng tươi, lọc lấy nước cốt để uống.
Cách 3: Chuẩn bị 10 lá tần dày lá tươi, 1 quả chanh xắt lát, 1 củ gừng tươi và đường phèn hoặc mật ong vừa đủ, sau đó chưng cách thủy. Siro này giúp làm dịu cổ họng, giảm ho và giữ ấm cho cơ thể.
5. Cam nướng
Cam nướng tưởng lạ lẫm nhưng thật ra là bài thuốc dân gian độc đáo, được Đông y công nhận về công dụng trị ho và giảm đờm. Cam chứa nhiều vitamin C và tinh dầu, giúp tăng cường sức đề kháng, thanh nhiệt và làm sạch đường hô hấp. Bạn có thể chọn quả cam tươi, nướng trên bếp cho đến khi vỏ cam có mùi thơm và chín đều. Sau đó, bóc vỏ, ăn từng múi cam để giảm nhanh cơn ho và làm loãng đờm.
6. Cam thảo
Cam thảo là loại thảo dược quen thuộc trong y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông kinh lạc và giúp giảm ho, đau họng hiệu quả. Bạn có thể kết hợp cam thảo với lá trà xanh để hãm trà hoặc pha bột cam thảo với nước chanh để giảm các triệu chứng viêm họng, ho đờm và đau rát cổ họng. Sử dụng cam thảo đều đặn còn giúp dưỡng huyết và hỗ trợ hệ miễn dịch, ngăn ngừa bệnh cảm cúm và các bệnh về đường hô hấp.
7. Lê hấp đường phèn
Lê hấp đường phèn là món ăn giúp thanh nhiệt, giảm ho và long đờm hiệu quả. Quả lê giàu nước và chất xơ, cùng với đường phèn có tác dụng làm dịu và bảo vệ cổ họng, rất phù hợp cho người bị ho khan hoặc ho đờm.
Cách làm cũng khá đơn giản, hãy chuẩn bị 1 quả lê, 2 muỗng cà phê đường phèn và 1 muỗng cà phê kỷ tử. Sau đó ngâm, rửa lê bằng nước muối, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn. Tiếp đến cho lê, đường phèn và kỳ tử đã chuẩn bị vào bát tô. Hấp cách thủy hỗn hợp lê, đường phèn và kỷ tử trong khoảng 30 phút. Khi lê chín và mềm hãy tắt bếp và để nguội rồi dùng trực tiếp. Nên ăn cả nước và cái để trị ho, bạn có thể chia đôi để ăn thành 2 lần, phần còn lại cất vào ngăn mát tủ lạnh, hôm sau hãy hâm nóng lại và dùng tiếp.
8. Dùng siro thảo dược giảm ho
Hiện nay, nhiều sản phẩm siro ho thảo dược có nguồn gốc tự nhiên được bào chế từ các loại thảo dược giảm ho như lá thường xuân, tần dày lá, cam thảo, tắc mật ong, tinh dầu tràm, tinh dầu gừng,... vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức lại giúp giảm ho, loãng đờm an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Siro ho đặc biệt có lợi cho các bé nhỏ vì vị ngọt dễ uống, không gây khó chịu và có tác dụng làm dịu cơn ho nhanh chóng mà không gây kích ứng cho dạ dày.
9. Ngậm viên ngậm thảo dược
Viên ngậm ho, đau họng là lựa chọn lý tưởng cho người thường xuyên bị đau rát họng, ho, ngứa cổ họng, khản tiếng. Đặc biệt những sản phẩm có chiết xuất từ thảo dược tự nhiên, giúp giảm nhanh các cơn ho, làm dịu cổ họng và cung cấp độ ẩm cho niêm mạc họng lại có thể sử dụng thường xuyên mà không lo tác dụng phụ.
Lưu ý khi tự điều trị ho tại nhà
1. Xác định nguyên nhân chính gây ho
Ho có thể do nhiều nguyên nhân, từ viêm họng, cảm cúm đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn về hô hấp. Trước khi áp dụng các biện pháp trị ho tại nhà, bạn nên xác định rõ nguyên nhân để lựa chọn phương pháp phù hợp, tránh làm tình trạng nặng thêm.
2. Thăm khám bác sĩ khi thấy dấu hiệu nặng hơn
Nếu cơn ho kéo dài trên một tuần hoặc kèm theo các triệu chứng như sốt cao, đau ngực, khó thở, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách nhằm hạn chế những biến chứng và phát hiện kịp thời những bệnh lý nghiêm trọng.
3. Lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ và chuyên gia Y tế
Đối với các trường hợp đặc biệt như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi hoặc những người có bệnh nền, cần thận trọng khi tự điều trị ho tại nhà. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia Y tế trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc hoặc sản phẩm nào để đảm bảo an toàn.
4. Uống đủ nước và tăng cường đề kháng
Uống đủ nước là một phần quan trọng trong quá trình điều trị ho và bảo vệ đường hô hấp. Nước giúp làm loãng đờm, dễ dàng đẩy ra ngoài khi ho. Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi để tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại vi khuẩn và vi-rút.
Kết luận: Giảm ho an toàn, bảo vệ sức khỏe hô hấp
Các phương pháp trị ho tại nhà là lựa chọn an toàn và hiệu quả, giúp giảm bớt triệu chứng ho mà không cần lạm dụng thuốc hay kháng sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp ho kéo dài hoặc có dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng, bạn nên thăm khám bác sĩ để được điều trị phù hợp. Việc áp dụng những cách chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm ho, cải thiện sức khỏe và bảo vệ hệ hô hấp của bạn.