CẨN THẬN BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP GIA TĂNG TRONG THỜI TIẾT CHUYỂN RÉT

CẨN THẬN BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP GIA TĂNG TRONG THỜI TIẾT CHUYỂN RÉT

Thời tiết chuyển rét, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm là điều kiện lý tưởng cho các bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ và người có sức đề kháng kém. Dưới đây là những bệnh hô hấp phổ biến khi trời lạnh.

Các bệnh hô hấp dễ mắc khi trời chuyển rét

Cảm cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm do virus thuộc họ Orthomyxoviridae, lây lan nhanh qua giọt bắn, nước bọt và dịch tiết mũi họng khi ho, hắt hơi. Môi trường lạnh và ẩm thấp làm tăng nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt tại những nơi đông người như trường học, nhà trẻ.

Viêm thanh quản

Viêm thanh quản cấp thường gặp vào mùa lạnh, do virus gây ra, đặc biệt ở người uống rượu, hút thuốc lá, hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm. Bệnh gây khàn tiếng, đau họng, ho, và sốt nhẹ. Nếu không điều trị kịp thời, viêm thanh quản mạn tính có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Viêm phế quản

  • Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, gây ho và đờm. Bệnh được chia làm hai loại:
  • Viêm phế quản cấp tính: Gây tổn thương niêm mạc phế quản, thường khỏi sau vài tuần.
  • Viêm phế quản mạn tính: Tiến triển nghiêm trọng hơn, kéo dài nhiều tháng, có nguy cơ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Viêm tiểu phế quản

Thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi trong mùa đông. Bệnh trở nên nghiêm trọng hơn ở trẻ sinh non hoặc có vấn đề sức khỏe nền, đôi khi cần nhập viện.

Viêm phổi

Viêm phổi xảy ra khi nhiễm trùng làm tổn thương túi phổi, gây tức ngực, khó thở, sốt cao hoặc thân nhiệt giảm ở người lớn tuổi. Bệnh có thể đi kèm các triệu chứng như mệt mỏi, tiêu chảy, và nôn mửa.

Nguyên nhân gây bệnh hô hấp khi trời lạnh

Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên như cúm, viêm xoang, viêm thanh quản,... và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi,… là những bệnh có thể mắc quanh năm. Nhưng thời tiết lạnh và giao mùa làm gia tăng nguy cơ mắc phải hơn với những nguyên nhân chính gồm:

Virus phát triển

Thời tiết lạnh, thiếu ánh sáng mặt trời là môi trường lý tưởng để các virus, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp (RSV), phát triển mạnh mẽ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Cơ thể bị nhiễm lạnh

Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang dễ bị viêm, từ đó nhiễm trùng có thể lan xuống phổi và gây các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm phế quản hoặc viêm màng phổi.

Độ ẩm không khí

Độ ẩm trong không khí giảm thấp trong thời điểm giao mùa cũng khiến sức đề kháng cơ thể kém, đó là nguyên nhân để bệnh hô hấp khởi phát. Sức đề kháng yếu khiến cho các loại vi rút, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Cách phòng bệnh đường hô hấp khi giao mùa

- Tiêm phòng vacxin cúm, phế cầu, covid,... nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính, bệnh phổi mạn tính.

- Tránh không khí lạnh, nếu phải ra ngoài khi thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể nhất là vùng cổ, ngực, lòng bàn chân.

- Ăn uống đủ chất, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước.

- Duy trì thói quen tập thể dục và kiểm soát tốt bệnh lý nền kèm theo như huyết áp, đái tháo đường (nếu có).

- Luôn chuẩn bị sẵn các sản phẩm bảo vệ sức khỏe hô hấp như: Siro thảo dược bổ phế, giảm ho, viên ngậm thảo dược,... để sử dụng ngay khi vừa chớm ho, đau họng.

Lưu ý khi điều trị và phòng bệnh mùa rét

Tuân thủ điều trị

Không để thời tiết lạnh làm gián đoạn quá trình điều trị bệnh của bạn hay người thân yêu. Hãy nhớ tái khám định kỳ, đúng hẹn và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Và lưu ý không nên tự ý sử dụng lại đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Duy trì chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên. Tuy nhiên bạn hãy tránh tập thể dục ngoài trời khi nhiệt độ giảm sâu, thay vào đó có thể tập trong phòng kín hoặc chọn thời điểm ấm áp hơn trong ngày để hạn chế nguy cơ nhiễm lạnh.

.

Giữ ấm cho trẻ đúng cách

  • Giữ ấm các vùng quan trọng như tay, lưng, bụng, chân và cổ.
  • Mặc áo theo lớp, không quá 4 lớp để trẻ thoải mái cử động, tránh bí bách hoặc ủ quá chặt gây khó thở.
  • Tránh dùng khăn dài quàng cổ, mặt; không để chăn điện hay máy sưởi quá gần trẻ để phòng tránh rủi ro ngạt thở hoặc bỏng.

Không kiêng tắm, gội

Tắm bằng nước ấm trong phòng kín, không ngâm mình hoặc tắm quá lâu. Sau khi tắm, lau khô người và mặc đồ ấm ngay. Sau khi gội đầu xong cần sấy khô tóc, không để tóc ướt trong thời tiết lạnh.

Dinh dưỡng đầy đủ

  • Không nhất thiết phải kiêng đồ tanh khi bị viêm họng hoặc bệnh hô hấp.

  • Ăn uống đủ chất, ưu tiên thực phẩm ấm nóng và uống đủ nước để cơ thể không bị mất nước.

  • Vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước súc miệng. 

Khi có biểu hiện bệnh lý hô hấp, bạn nên có sự thăm khám của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh hay điều trị bằng đơn thuốc của người khác để tránh điều trị không đúng bệnh, gây lãng phí và rủi ro hơn là lờn thuốc.

 

 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN